Lựa chọn phong cách thiết kế homestay - Bước đệm cho sự thành công
thứ sáu, 14/10/2022Nội dung bài viết
Lên kế hoạch xây dựng dự án homestay là bước đầu vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh doanh lâu dài. Bởi vậy nên các nhà đầu tư chắc hẳn rất cần những gợi ý về phong cách thiết kế phù hợp với quy mô, số vốn và tệp khách hàng mục tiêu mà mình đã đề ra. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong vấn đề này, vậy thì hãy cùng Ken Kasa tìm hiểu cách lựa chọn phong cách thiết kế homestay trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Một số phong cách thiết kế Homestay ấn tượng không nên bỏ qua
Trong nhiều năng trở lại đây, mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú vừa và nhỏ như Homestay đang được rất nhiều người quan tâm bởi số vốn đầu tư không quá lớn trong khi đó thời gian thu hồi lại nhanh. Tuy nhiên, điều đó đã vô tình tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, khiến cho việc tìm kiếm những mẫu thiết kế mới lại càng trở nên quan trọng hơn. Là một nhà đầu tư thông thái, chắc chắn bạn không nên bỏ qua những gợi ý sau để lựa chọn phong cách thiết kế homestay cho phù hợp.
1.1. Homestay mang phong cách Bohemian ấn tượng
Phong cách Bohemian có mặt vào khoảng thế kỷ 19. Đây là phong cách sử dụng những chất liệu đơn giản nhưng vẫn nổi bật nhờ màu sắc rực rỡ và hoa văn họa tiết thổ cẩm. Homestay thiết kế theo phong cách Bohemian thường đem đến không gian mang hơi hướng cổ điển và ấm cúng.
Thiết kế homestay theo phong cách Bohemian rất chú trọng vào cách bài trí, sắp xếp các nội thất và đồ dùng trong phòng. Để làm nổi bật các gam màu phong phú, nội thất và đồ dùng thường được làm từ các chất liệu tự nhiên với kiểu dáng đơn giản. Đó có thể là những chiếc bàn ghế, tủ, kệ,...nhỏ nhắn, tô điểm bằng những chiếc khăn trải bàn, ga gối, rèm cửa làm từ chất vải có họa tiết được biến tấu đa dạng.
Có thể nói vải chính là yếu tố quan trọng giúp định hình nên phong cách Bohemian. Dù chỉ dùng để bao phủ và trang trí cho các bề mặt và đồ dùng nhưng nhờ sự kết hợp hài hòa, nhất quán của màu sắc và họa tiết trên mảnh vải mà không gian homestay trở nên nổi bật và độc đáo hơn bao giờ hết.
>>> Xem thêm: Thiết kế homestay phong cách Bohemian có gì đặc biệt?
1.2. Homestay theo phong cách Rustic style mộc mạc
Phong cách Rustic có lẽ là lựa chọn phong cách thiết kế homestay được ứng dụng nhiều nhất. Điểm đặc trưng nằm ở sự nhấn mạnh lối kiến trúc mộc mạc, gần gũi với tự nhiên. Thiết kế homestay theo phong cách Rustic là sự kết hợp giữa nét cổ điển và hiện đại.
Đặc trưng của Rustic Style là những đồ dùng có bề ngoài đơn giản và cũ kỹ, làm từ các vật liệu đến từ thiên nhiên như đá và gỗ. Tất cả đã tạo nên tổng thể không gian sống bình dị và thoải mái.
Nguyên tắc khi theo đuổi lối thiết kế rustic đó là các đồ vật và nội thất trong phòng đều phải toát lên vẻ dung dị, thô mộc, tự nhiên, bằng việc sử dụng các chất liệu như gỗ thô và đá tảng. Nét đặc trưng trong phong cách rustic đó là để lộ ra phần trần, phà và dầm nhà làm từ những thanh gỗ đặc chắc chắn.
Bên cạnh gỗ, đá cũng là chất liệu góp phần làm tăng vẻ đẹp cổ điển cho homestay. Đá hay được sử dụng để lát tường hay biến tấu thành các họa tiết trang trí như cột, trụ hoặc lò sưởi.
Các loại vải được sử dụng trong phong cách Rustic cũng là những loại vải thô, làm từ các chất liệu thiên nhiên, ví dụ như sợi bông, sợi gai, cotton, len… Hiện nay có 2 dòng chính của vải thô là vải thô mộc và vải thô mềm. Vải thô mộc thì sợi vải to và thô, cứng, sần hơn. Các loại vải này sau đó được làm thành thảm trải ra sàn nha hay bọc chăn, gối, bàn, ghế,...
Homestay theo phong cách Rustic rất chú trọng yếu tố về ánh sáng. Phòng ở thường được bố trí những cửa sổ to, rộng để đón được ánh sáng và luồng không khí tự nhiên. Hệ thống phòng nghỉ cũng từ đó mà thông thoáng, mát mẻ hơn.
>>> Xem thêm: Thiết kế homestay phong cách Rustic - Nét đẹp mộc mạc của không gian đồng quê
1.3. Homestay phong cách thiết kế Vintage
Phong cách thiết kế homestay Vintage thường sử dụng các chất liệu và màu sắc mang đậm chất cổ điển. Vintage là sự giao thoa giữa hiện tại và quá khứ, mang đến cho ta cảm giác hoài niệm, nhớ thương những ngày xưa cũ.
Các gian phòng được khoác lên mình những màu sắc vô cùng dịu nhẹ, trang nhã như trắng, vàng, nâu,... Màu trắng giúp cho không gian homestay thêm phần tinh khiết, mềm mại và lãng mạn. Tuy nhiên, để phù hợp với thị hiếu khách hàng hiện nay, các màu sắc được sử dụng trong phong cách Vintage cũng phần nào đa dạng hơn. Các màu sắc tươi sáng như hồng, xanh, cam,..đã làm cho tổng thể homestay nổi bật và bắt kịp với xu hướng của thời đại, nhưng vẫn không làm mất đi bản chất cốt lõi của phong cách thiết kế Vintage.
Nội thất trong phong cách Vintage thường là những chiếc bàn, ghế, giường, tủ cũ, kết hợp với những đồ dùng tiện nghi, hiện đại như Tivi, điều hòa, quạt máy,... tạo nên không gian hài hòa và mới lạ.
Các chất liệu sử dụng trong phong cách Vintage khá phong phú nhưng điển hình nhất vẫn là các chất liệu thô mộc như gỗ, vải thô, giấy dán tường họa tiết hoa lá,.. Nếu thiếu đi những đặc điểm này, các căn phòng sẽ mất đi nét đẹp cổ điển đặc trưng. Đây chính là những yếu tố chính để tạo nên vẻ đẹp độc đáo của phong cách Vintage.
Không có bất kỳ quy chuẩn và quy tắc nào về số lượng đồ dùng được bài trí trong không gian Vintage. Tuy nhiên để tránh rối mắt và lộn xộn, các vật dụng nên được bố trí, sắp xếp một cách ngăn nắp, gọn gàng, đảm bảo được diện tích sinh hoạt cho khách hàng. Có rất nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn phong cách thiết kế homestay này để dễ dàng thu hút khách.
>>> Xem thêm: Thiết kế homestay phong cách Vintage và 5 tiêu chí quan trọng cần lưu ý
1.4. Thiết kế homestay theo phong cách retro độc đáo
Khi nhắc đến thiết kế mang hơi hướng hoài cổ, chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa Vintage và Retro. Vintage và Retro đều là hai từ có ý nghĩa là cổ điển. Tuy nhiên khác với Vintage chỉ tập trung vào những điều xưa cũ, Retro còn bao gồm những đặc điểm phá cách, phóng khoáng và hiện đại hơn.
Rất nhiều chủ thầu đã lựa chọn phong cách thiết kế homestay này, bởi nó mang đến cho khách hàng cảm giác ấm cúng gần gũi. Khơi dậy lại trong họ những cảm xúc và kỷ niệm về những ngày tháng đã qua. Nội thất và đồ dùng bố trí trong homestay theo phong cách retro có thiết kế đơn giản mà tinh tế, mang vẻ đẹp của quá khứ, xưa cũ nhưng đồng thời vẫn bộc lộ rõ nét đẹp hiện đại.
Các tông màu chủ đạo được sử dụng là những màu pastel nhẹ nhàng và màu trắng tinh khiết. Những gam màu tươi sáng góp phần làm nổi bật vẻ đẹp tự do, phá cách của căn phòng, giảm bớt sự u tối và tẻ nhạt. Điểm nhấn của phong cách Retro là những bức tranh vẽ cổ điển hoặc trừu tượng. Ngoài ra các đồ vật trang trí nhỏ xinh với họa tiết hoa văn thổ cẩm cũng rất được ưa chuộng.
Ánh sáng là một thành phần vô cùng quan trọng trong thiết kế phong cách Retro. Homestay theo phong cách này có cửa sổ cánh hoặc cửa sổ vòm cao, rộng để tận dụng tối đa được nguồn ánh sáng tự nhiên. Bên cạnh đó các loại đèn cổ như đèn treo ốp, đèn cây hay đèn chụp không chỉ giúp mang đến nguồn sáng ấm áp cho không gian phòng, mà còn giúp cái chất của Retro được bộc lộ rõ ràng hơn.
1.5. Homestay theo phong cách Scandinavian tinh tế
Phong cách Scandinavian, hay còn được biết đến là phong cách Bắc Âu là sự kết hợp của 3 yếu tố: đẹp, tối giản và tiện dụng. Đây là phong cách thiết kế homestay khá được ưa chuộng hiện nay bởi sự giản dị, ấm cúng, mang đến không gian gần gũi và thoải mái đến cho khách hàng.
Khi nhắc đến phong cách Bắc Âu, người ta thường nghĩ đến các vật liệu chủ chốt trong xây dựng công trình như gỗ tự nhiên, đá, lông thú. Gỗ là vật liệu xuất hiện nhiều nhất, trong đó loại gỗ được sử dụng nhiều nhất là gỗ tếch.
Ưu điểm của loại gỗ này là chất gỗ cứng, mịn, có độ dẻo dai, đàn hồi tốt cùng khả năng chống chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Với vân gỗ và màu sắc đẹp, đây chính là sự lựa chọn hoàn hảo để thi công homestay. Tuy nhiên các chủ đầu tư cũng có thể cân nhắc các loại gỗ khác phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình.
Ngoài gỗ thì đá cũng là vật liệu quan trọng để hình thành nên phong cách Scandinavian của homestay. Loại đá được sử dụng thường là loại đá sáng màu để ốp lên tường. Đá giúp không gian phòng có nét đẹp vững chãi, rắn rỏi hơn. Có một điểm cần lưu ý là thiết kế phong cách Scandinavian không bao giờ sử dụng đá marble (đá cẩm thạch), vì loại đá này quá bóng bẩy, cầu kỳ, làm mất đi vẻ đẹp tối giản của homestay.
Thiết kế Bắc Âu sử dụng lông thú để trang trí nội thất, đây như là một điểm nhấn làm tôn nên vẻ đẹp sang trọng, quý phái của homestay. Lông thú nhân tạo với mẫu mã, màu sắc đa dạng và chất liệu mềm mại là một sự lựa chọn hoàn hảo.
Trắng là màu chủ đạo trong thiết kế Scandinavian. Giống như màu trắng của tuyết, homestay sẽ có sự tương phản về ánh sáng, giúp cho không gian sáng sủa và thoáng đãng hơn. Bên cạnh màu trắng, có thể kết hợp các tông màu nhẹ dịu khác như kem, xanh ngọc, xám trắng,.. để homestay thêm phần trẻ trung, tươi mới.
Đối với phong cách Scandinavian, ánh sáng là một phần rất quan trọng. Để mang được nguồn sáng tự nhiên đến cho hệ thống phòng nghỉ, các cửa sổ đều được thiết kế với phần khung lớn và sử dụng rèm mỏng.
Họa tiết được dùng trong phong cách Scandinavian thường là các họa tiết với đường nét đơn giản như kẻ sọc, caro,... Các họa tiết chủ yếu có màu đen, trắng để tạo ra chiều sâu cho không gian phòng nghỉ.
>>> Xem thêm: Xu hướng thiết kế homestay phong cách Scandinavian - đơn giản nhưng tinh tế
1.6. Homestay theo phong cách Industrial
Phong cách nội thất industrial hay còn gọi là phong cách công nghiệp, được ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20. Ở thời kỳ này, các nhà máy ở Châu Âu chọn lựa chuyển sang nước khác để ít tốn chi phí sản xuất hơn vì thế có rất nhiều nhà máy bị bỏ hoang. Phong cách này ra đời với ý tưởng tái sử dụng những nhà máy, tòa nhà này thành những khu nhà ở, khu dân cư phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Homestay thiết kế theo phong cách industrial thường khá thô sơ, tái chế sử dụng lại những vật liệu có sẵn. Điểm khác biệt của phong cách công nghiệp với những phong cách khác là không ngại phô ra những đường nét thô cứng và giản dị của mình. Có một số quan điểm cho rằng đây là những khuyết điểm cần được loại bỏ, những đối với những ai có niềm đam mê với phong cách Industrial, đây là những điểm đặc sắc tạo nên chất riêng và sự độc đáo cho thiết kế homestay.
Những bức tường gạch không trát hay tường bê tông không sơn, những thanh dầm hay đường ống nước chạy khắp trần nhà không cần che dấu,..chính là những đặc điểm làm nên sự nổi tiếng của phong cách công nghiệp.
Tông màu được sử dụng trong phong cách Industrial là những tông màu tối. Những bề mặt và vật liệu xây dựng trong không gian homestay đều không được xử lý kỹ càng, đem đến một chút tùy hứng và nổi loạn cho tổng thể thiết kế. Bên cạnh đó, màu tối còn làm gia tăng nét đẹp đẳng cấp và huyền bí cho căn phòng.
Các vật liệu chính được dùng để hoàn thiện công trình là những chất liệu công nghiệp phổ biến như kính, thép, bê tông, gỗ, bàn ghế cũ,… Để làm ra được phong cách Industrial, homestay nên được bố trí bằng những món đồ nội thất đơn giản, thiết kế gọn gàng và có đầy đủ các công năng cần thiết. Các đồ dùng có thể sử dụng chất liệu bằng da để không gian phòng thêm phần mềm mại. Ngoài ra, các chậu cây cảnh trang trí cũng sẽ giúp bầu không khí trong phòng bớt phần ẩm đạm và thoáng đãng hơn.
Homestay với thiết kế Industrial thường có thêm cầu thang để bước lên tầng trệt hoặc gác xép. Đây cùng là một phần đặc trưng trong phong cách này. Cầu thang được làm từ những tấm thép hay gỗ liên kết với nhau chứ không sử dụng bê tông và gạch như bình thường.
Nội thất và không gian theo đuổi phong cách Industrial thường mang những tông màu khá tối và trầm vì vậy, thiết kế các cửa sổ lớn và bố trí hệ thống đèn điện là một điều cần thiết, giúp cân bằng lượng ánh sáng trong phòng, mang lại tổng thể bắt mắt, thông thoáng hơn.
>>> Xem thêm: 8 lỗi thường gặp khi thiết kế homestay phong cách Industrial
2. Làm sao để lựa chọn phong cách thiết kế homestay phù hợp?
Với những homestay có quy mô và số vốn nhỏ thì chủ đầu tư nên lựa chọn cho mình những phong cách thiết kế đơn giản tiết kiệm như rustic hoặc vintage. Không nên theo đuổi những phong cách như Retro hay Bohemian vì thiết kế sẽ có phần phức tạp, tốn nhiều diện tích và chi phí hơn. Các thiết kế theo hướng tối giản và có ứng dụng cao phù hợp hơn với các không gian khiêm tốn và mang lại hiệu quả thẩm mỹ tốt.
Ngoài ra, các chủ sở hữu cũng không nên bài trí nội thất và đồ vật trong phòng một cách vô tội vạ. Nó không những không thể hiện được phong cách thiết kế đặc trưng của homestay và còn làm tổng thể gian phòng trở lên rối mắt, lộn xộn.
Các chủ homestay chỉ lên bố trí những đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt như giường, tủ quần áo để tiết kiệm được tối đa diện tích trong phòng. Việc giảm bớt những nội thất, vật dụng và đồ trang trí rườm rà ngoài tối ưu hóa được không gian phòng nghỉ còn giúp chủ sở hữu tiết kiệm thêm được một khoản chi phí đáng kể.
3. Các lưu ý khi lựa chọn phong cách thiết kế homestay
Mặc dù có nhiều phong cách thiết kế homestay cho chúng ta lựa chọn thế nhưng mỗi loại đều có những ưu nhược điểm cũng như có các đặc điểm khác nhau. Điều đó đòi hỏi các chủ đầu tư cần biết cách lựa chọn sao cho phù hợp với ngân sách hay các điều kiện khác như vị trí, ngoại cảnh… Nếu bạn đang gặp khó khăn thì chắc chắn không nên bỏ qua những lưu ý ngay dưới đây.
3.1. Lựa chọn phong cách homestay phù hợp với vị trí dự kiến
Vị trí địa lý phù hợp là yếu tố quyết định đến sự thành bại khi kinh doanh homestay vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách hàng. Một địa điểm đẹp sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ đầu tư, giúp công việc thuận lợi và suôn sẻ hơn.
Homestay nên được xây dựng ở vị trí có địa hình tương đối bằng phẳng, nên nằm gần các trục đường lớn, giao thông đi lại dễ dàng và không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết thất thường như bão, lũ, sạt lở, động đất,... Đây là những điều kiện cần có của một vị trí tốt, tạo nên nhiều tiềm năng sinh lời cho chủ sở hữu. Hoặc homestay nên xây dựng ở những nơi có địa hình độc đáo và phong cảnh đẹp.
Không chỉ có là nơi có thiên nhiên ôn hòa, homestay cũng nên được xây dựng ở những nơi đảm bảo được an ninh và sự an toàn cho du khách. Nên tránh những nơi hẻo lánh, ít người, nằm trên những con đường khó tìm.
3.2. Luôn có sự đổi mới trong thiết kế homestay
Việc đổi mới thiết kế và phong cách cho homestay là điều nên làm để tạo sự mới mẻ, đồng thời thu hút thêm nhiều tệp khách hàng mới. Từ đó, doanh thu và lợi nhuận của homestay sẽ tăng lên đáng kể.
Trong trường hợp điều kiện tài chính không cho phép, các chủ đầu tư không nhất thiết phải thay đổi toàn bộ nội thất và đồ dùng ngay trong một lần mà lên dàn trải thành nhiều lần hoặc thay phiên tái sử dụng, sửa chữa, giao bán.
Bên cạnh đó, các chủ homestay cũng có thể linh động kết hợp nhiều phong cách thiết kế lại với nhau vì nhìn chung các phong cách thiết kế thường có kha khá điểm tương đồng, ví dụ như phong cách retro và phong cách Vintage. Vì vậy, các đồ dùng và nội thất hoàn toàn có thể tận dụng sau khi bố trí, sắp xếp lại để tạo gia một vẻ ngoài mới mẻ cho homestay.
3.3. Nâng cấp không gian bên ngoài của thiết kế homestay
Nội thất bên trong căn hộ có thể được bày trí đẹp mắt và tiện nghi, nhưng nếu căn hộ được đặt trong một khu nhà lụp xụp, xuống cấp, giá trị của nó sẽ bị giảm đi nhiều lần. Để hoàn thiện thiết kế homestay, chủ sở hữu cần chú trọng làm mới cả không gian xung quanh bởi đây là những yếu tố có thể gây ấn tượng với khách thuê nhà.
Các chủ homestay có thể tham khảo một số phương pháp sau đây: trồng thêm cây xanh để làm tăng không khí trong lành, nên dành diện tích để xây dựng sân vườn, mở thêm các tiện ích ngoài trời như hồ bơi, quầy bar, nhà hàng, bố trí thêm nhiều điểm check -in được trang trí đẹp mắt để tăng trải nghiệm nghỉ dưỡng cho du khách.
Vậy là các chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu cách lựa chọn phong cách thiết kế homestay. Đây mới chỉ là một số phong cách thiết kế tiêu biểu để các bạn tham khảo. Các chủ đầu tư có thể lựa chọn lối kiến trúc phù hợp với tiêu chí và sở thích của mình. Ngoài ra, việc đưa cá tính và màu sắc riêng vào thiết kế cũng là một việc làm được khuyến khích. Từ đó giúp bạn thi về được lợi nhuận đáng mơ ước. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm các mẫu thiết kế khác ấn tượng hơn thì hãy ghé thăm chúng tôi tại đây.