Phân biệt phong cách Vintage và Retro - Nên chọn gì để dễ sinh lời?
thứ tư, 23/11/2022Nội dung bài viết
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên ngôi nhà tinh tế là nội thất. Nội thất có đẹp, có sức hút và tận dụng hợp lý thì mới có thể tạo ra không gian thoải mái cho những người sử dụng. Thời gian gần đây, thiết kế nội thất những công trình kiến trúc nhà ở, hàng quán kinh doanh dịch vụ đều rất ưa chuộng hai kiểu phong cách Vintage và Retro nhờ sự lãng mạn và hoài niệm trong không gian. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lầm tưởng giữa hai phong cách thiết kế này. Hôm nay, hãy cùng Ken Kasa đưa ra phân tích chi tiết và cụ thể nhất để có cái nhìn tổng quan và phân biệt phong cách Vintage và Retro một cách dễ dàng nhất nhé!
Mục Lục
Đặc điểm cơ bản của phong cách Vintage
Vintage vốn dĩ là thuật ngữ bắt nguồn từ nước Pháp “vendange”, trước kia được tạm dịch là rượu và dầu, thời gian sau người ta dùng cụm từ “Vintage” để miêu tả các đồ vật cũ như xe cổ, quần áo second-hand. Cho đến thế kỉ 20, phong cách Vintage bắt đầu xuất hiện và rất được cưng chiều trong giới thiết kế, và thiết kế trang trí nội thất cũng không phải là một ngoại lệ.
Phong cách Vintage là một sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp xưa cũ cổ điển với vẻ đẹp hiện đại. Mang đến vẻ đẹp lãng mạn, hoài niệm, bình dị in dấu thời gian trong một không gian tràn đầy sức sống. Cũng như những phong cách thiết kế khác, Vintage cũng có những đặc trưng cơ bản để nhận diện như:
- Về chất liệu: Thường sử dụng gỗ với màu nâu trầm là chủ yếu nhằm tạo nên sự trang nhã, cổ kính cho không gian trong nhà.
- Về màu sắc: Các kiến trúc sư sẽ sử dụng các gam màu nhẹ nhàng, nhã nhặn như trắng, be, vàng nhạt, kem.. Cách phối màu thường được áp dụng là Mid Century Modern (Dùng những màu gây ấn tượng) và Art Deco Vintage (Dùng màu trung tính, nhẹ nhàng).
- Về nội thất: Thường sử dụng những đồ vật mang đậm dấu ấn của thời gian nhưng cũng khá linh hoạt tùy theo sở thích của chủ nhà. Đó có thể là những bộ sofa đã cũ, chiếc đồng hồ quả lắc hay những mảng tường bong tróc…
- Về đồ trang trí: Giấy dán tường là một yếu tố không thể thiếu trong các thiết kế theo hơi hướng Vintage. Trong đó, chúng ta sẽ hay thấy những gam màu nhẹ nhàng kết hợp với họa tiết nổi trong không gian phòng được ứng dụng theo phong cách Vintage.
- Về ánh sáng: Chú trọng đến việc tạo cảm giác mờ ảo, nhẹ nhàng cho không gian phòng. Trong đó, những ô cửa sổ nhỏ kèm theo rèm cửa màu tối sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo.
Đặc điểm cơ bản của phong cách Retro
Retro có tên đầy đủ là Retrospective, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là hồi tưởng quá khứ. Phong cách thiết kế mới lạ này có nguồn gốc từ Bắc Âu và bắt đầu trở nên thịnh hành vào khoảng những năm 1950-1970. Theo đó, Retro là sự giao thoa giữa nét đẹp cổ điển và hiện đại với những đồ nội thất có tính hoài cổ. Tôn vinh vẻ đẹp của những giá trị truyền thống, đồng thời tiếp thu, vận dụng nét đẹp tươi mới của những phong cách hiện đại. Tất cả đã tạo nên không gian vừa nhẹ nhàng lại vô cùng quyến rũ.
Các đặc điểm cơ bản của phong cách thiết kế Retro cũng được thể hiện khá rõ thông qua một số khía cạnh dưới đây:
- Về chất liệu: Các chất liệu thường được sử dụng vẫn bao gồm gỗ, bê tông cốt thép là chủ yếu.
- Về màu sắc: Phong cách Retro sẽ là sự hòa trộn của những gam màu ấm nóng như đỏ gạch, cam với những màu pastel nhẹ nhàng. Mục đích là để tạo nên không gian tràn ngập nhiệt huyết và năng lượng, thể hiện được sự rực rỡ mà phong cách thiết kế này theo đuổi. Trong đó, vàng, cam, đỏ, xanh dương, xanh lục… là những màu sắc đối lập được sử dụng rất nhiều bởi tạo được hiệu ứng thu hút thị giác.
- Về nội thất: Đồ nội thất được sử dụng trong phong cách Retro thường mang nét đẹp cách tân với những họa tiết cổ điển. Tuy nhiên, dưới bàn tay của những kiến trúc sư, tất cả đã được điều chỉnh nhằm giữ gìn nét đẹp xưa cũ, đồng thời vẫn thể hiện được tinh thần của cuộc sống hiện đại.
- Về đồ trang trí: Các bức tranh treo tường với những họa tiết cổ điển được sử dụng nhiều trong phong cách Retro. Bên cạnh đó, nhiều người còn sử dụng giấy dán tường với các họa tiết hình hoa lá uốn lượn hết sức mềm mại. Điều đó vừa giúp lấp đầy khoảng trống của những bức tường, đồng thời tạo nên điểm nhấn cho không gian phòng.
- Về ánh sáng: Yếu tố ánh sáng khá được chú trọng khi tận dụng nguồn năng lượng tích cực từ tự nhiên. Tuy nhiên, nguồn sáng được sử dụng cũng không quá gắt và chủ yếu lấy qua các khung cửa sổ nhỏ dạng vòm hoặc cửa cánh. Để điều chỉnh độ sáng, người ta sẽ sử dụng thêm những chiếc rèm cửa được làm từ vải thô hoặc họa tiết thổ cẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, nguồn sáng nhân tạo từ nến hay ánh đèn vàng cũng được sử dụng để mang đến cảm giác ấm cúng, hoài niệm.
Phân biệt phong cách Vintage và Retro
Nếu chỉ nhìn sơ qua thì rất nhiều người sẽ không thể phân biệt được phong cách Vintage và Retro bởi 2 phong cách này đều là sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại. Bởi vì có quá nhiều điểm tương đồng nên việc nhầm lẫn là một vấn đề khá bình thường. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phân biệt được dựa vào một số đặc điểm nhất định.
Điểm giống nhau
Vintage và Retro thường sử dụng các họa tiết, hoa văn trang trí thiên về thiên nhiên. Trong đó, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh hoa lá được cách điệu với những nét vẽ hết sức mềm mại, uốn lượn. Đồ nội thất được sử dụng trong 2 phong cách thiết kế này cũng có nét tương đồng khi ưu tiên sử dụng đồ đạc cũ kỹ. Nhiều người còn thích sử dụng kiểu bị phai màu hay có màu bạc. Đây chính là điểm nhấn đặc biệt tạo nên nét đặc trưng của Vintage và Retro, khiến nhiều người khó lòng phân biệt được chúng với nhau.
Điểm khác nhau
Mặc dù có khá nhiều điểm tương đồng thế nhưng chúng ta vẫn có thể tự phân biệt phong cách Vintage và Retro thông qua những nét đặc sắc riêng của từng loại.
Chất liệu
Chất liệu được sử dụng chủ yếu trong 2 phong cách này vẫn là gỗ. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy có sự khác biệt trong việc lựa chọn. Theo đó, phong cách Vintage sẽ sử dụng gỗ tự nhiên với tuổi đời lâu năm nên có màu trầm hơn. Đồng thời nâng cao công năng và thời gian sử dụng vì hạn chế được mối mọt.
Còn đối với Retro thì lại khác. Phong cách này khá cởi mở nên cho phép việc sử dụng gỗ công nghiệp kết hợp thêm với một số vật liệu khác như đá hoa cương, tạo cảm giác tươi mới cho không gian phòng mà vẫn không làm mất đi sự ấm cúng cho cả căn phòng.
Màu sắc
Phong cách Vintage thường sử dụng gam màu nhẹ nhàng, mờ nhạt và có phần khá cũ kỹ nhằm mang đến không gian hoài niệm, gợi nhắc về những ngày xưa cũ của thập niên 20. Do đó, bạn có thể bắt gặp hình ảnh những căn phòng màu trắng, be hay xanh nhạt. Gợi lên cảm giác u buồn, điềm tĩnh, thậm chí là hơi khắc khoải.
Khác với Vintage, phong cách Retro lại phối hợp những gam màu nóng với màu pastel nhẹ nhàng. Đây cũng có thể coi như một sự nổi loạn mang nét đẹp cá tính rất riêng. Tất cả đã được đưa vào một cách hết sức tinh tế để làm nổi bật nên nét đẹp tân thời, là sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại trong một không gian nhuốm màu thời gian.
Nội thất
Đây là một trong những yếu tố cơ bản giúp phân biệt phong cách Vintage và Retro. Trong đó, những người theo trường phái xưa cũ (Vintage) sẽ chọn nội thất mang nét đẹp hoài cổ lãng mạn nhưng không kém phần tinh tế và sang trọng. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy các đồ dùng như máy đĩa hát, băng cassette hay những chiếc đèn kiểu cũ được sử dụng khá nhiều. Nguyên nhân là bởi phong cách Vintage ở nước ta chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Liên Xô và các nước phương Tây.
Đối với Retro thì linh hoạt hơn khi cho phép chúng ta sử dụng mẫu nội thất theo xu hướng thời đại. Tuy nhiên, vẫn cần có những đường nét hay sắc thái xưa cũ để thể hiện được chất riêng của phong cách thiết kế này. Đó có thể là những chiếc sofa sờn vải hay những tấm thảm mang nhiều họa tiết cổ điển.
Vật dụng trang trí
Đồ vật trang trí trong phong cách Vintage cũng khá đa dạng nhưng thiên hướng cổ điển. Vì thế, bạn sẽ thường thấy những tấm thảm trải sàn, những chiếc đèn cũ kỹ hay những bức tường được dán giấy với những gam màu Pastel tươi sáng, nhẹ nhàng. Trong khi đó, phong cách Retro lại sử dụng rất nhiều chất liệu ren, voan, cotton hay những bức tranh treo tường đơn nghĩa với những gam màu đối lập nhằm tạo sự mạnh mẽ. Chỉ một vài nét chấm phá nhưng cũng đủ để thể hiện được nét đặc trưng trong phong cách Retro. Đặc biệt, sự rườm rà chính là điều tối kỵ không được sử dụng khi thiết kế nội thất theo kiểu tân cổ điển này. Thay vào đó là sự nhấn nhá của thiết kế cách tân, tinh tế và vô cùng thanh thoát.
Nên lựa chọn phong cách thiết kế Vintage hay Retro để dễ sinh lời?
Đây sẽ là một câu hỏi khá khó để trả lời bởi vì mỗi phong cách lại có những nét đẹp và sự độc đáo riêng biệt. Bởi vậy nên các chủ đầu tư có thể dựa vào một số yếu tố dưới đây để lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp và dễ thu hút khách nhất.
- Nên cân nhắc lựa chọn cho phù hợp với đặc điểm, văn hóa của địa điểm dự kiến xây dựng. Phong cách Vintage và Retro có tính ứng dụng cao nên thường được nhiều chủ đầu tư sử dụng cho các dự án kinh doanh dịch vụ lưu trú như Homestay hay Resort.
- Chú trọng đến các đặc trưng cơ bản của từng phong cách thiết kế để làm toát lên được vẻ đẹp ẩn chứa đằng sau mỗi phong cách. Bạn có thể ghi nhớ theo công thức Vintage - xưa cũ, Retro - Tân thời.
- Cần chú ý đến cách bày trí nội thất trong phòng sao cho phù hợp. Ví dụ như với Retro, bạn có thể cân nhắc sử dụng những chiếc sofa cao cấp với những gam màu nóng, đối lập với màu tường để tạo điểm nhấn.
- Kết hợp với nhiều phong cách thiết kế khác để mang đến những không gian mới lạ và dễ dàng thu hút khách hơn. Trong đó, chủ đầu tư cũng cần phải quan tâm đến sự hài hòa giữa bên trong và bên ngoài công trình.
- Chi phí cũng là một yếu tố quan trọng cần quan tâm khi lựa chọn phong cách thiết kế Vintage và Retro.
Bài viết trên đã cung cấp thông tin cơ bản giúp phân biệt phong cách Vintage và Retro. Nếu không để ý kỹ, chắc chắn sẽ có nhiều người lầm tưởng giữa 2 phong cách này. Hy vọng chia sẻ của chúng tôi sẽ gỡ rối được cho các chủ đầu tư, đồng thời giúp bạn tìm được ý tưởng cho các dự án sắp tới. Nếu chưa biết nên bắt đầu từ đâu, vậy thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.