So sánh homestay với resort - chạy theo “xu hướng” hay kinh doanh bền vững?
thứ tư, 24/08/2022Nội dung bài viết
MỤC LỤC
Hiện nay trên thị trường lưu trú có rất nhiều loại hình như: resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ,... Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về chúng. Trong nội dung ngày hôm nay, Ken Kasa sẽ so sánh homestay với resort để các chủ đầu tư có cái nhìn cụ thể hơn về tiềm năng của 2 loại hình này.
1. Homestay là gì? Resort là gì?
Là một trong các loại hình “hot” nhất thị trường lưu trú hiện nay, homestay xuất hiện ngày càng nhiều. Không chỉ ở các vùng ngoại ô, gần với thiên nhiên mà còn ở các vùng trung tâm thành phố tấp nập và hiện đại. Hiểu một cách đơn giản thì homestay là loại hình dịch vụ mà khách du lịch sẽ ở lại nhà người dân bản địa, sinh hoạt và giao lưu cùng chủ nhà. Tại đây, họ có thể chủ động khám phá, trải nghiệm văn hóa địa phương và bản sắc riêng của các vùng miền.
Resort hay khu nghỉ dưỡng là loại hình nghỉ dưỡng được xây dựng thành khối hay quần thể bao gồm các biệt thự, căn hộ, bungalow… ở những địa điểm có cảnh quan đẹp, không gian rộng rãi, yên bình để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan của khách du lịch. Ở nước ta, các khu Resort cao cấp thường tập trung ở ven biển các tỉnh, thành phố như Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng…
2. So sánh homestay với resort dựa trên 6 tiêu chí
Sau khi định nghĩa homestay và resort, có thể thấy điểm chung của 2 loại hình này đều là điểm dừng chân để khách du lịch nghỉ ngơi, tránh xa những bộn bề của công việc, cuộc sống. Đồng thời có thể giúp các thành viên được gắn kết, giao lưu và gần gũi với nhau nhiều hơn. Tuy nhiên để so sánh homestay với resort còn phải dựa trên nhiều tiêu chí khác mà chúng tôi sẽ chia sẻ ngay sau đây.
2.1. Quy mô
Tiêu chí đầu tiêu để so sánh homestay với resort là quy mô. Dễ nhận thấy homestay là loại hình lưu trú có quy mô nhỏ. Để kinh doanh loại hình dịch vụ này, chủ nhà sẽ cải tạo từ nhà có sẵn hoặc hợp tác với các đơn vị thiết kế thi công để xây mới từ đầu. Thông thường, mỗi homestay có thể đón tối đa từ 10 đến 30 khách lưu trú. Một con số không quá lớn và trong phạm vi có thể kiểm soát được.
Về Resort, loại hình này có quy mô lớn hơn nhiều lần so với homestay. Resort cũng có phân khúc khá đa dạng từ 1 đến 5 sao với số lượng từ 10 đến hơn 100 buồng phòng.
2.2. Chi phí đầu tư
Từ quy mô, chúng ta cũng có thể nhận định được chắc chắn là homestay sẽ có chi phí đầu tư thấp hơn và linh hoạt hơn so với resort. Nếu như đầu tư vào homestay có thể chỉ mất mấy trăm triệu thì đầu tư vào resort con số tối thiểu cũng gần 1 tỷ đến vài tỷ. Ngoài ra homestay còn có lựa chọn linh hoạt hơn khi chủ đầu tư có thể xây mới hoặc tu sửa lại từ căn nhà có sẵn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư ban đầu.
Trong khi đó Resort phải quy hoạch và đầu tư xây mới từ con số không hoàn toàn. Chính vì vậy mà homestay không quá kén chọn, từ các hộ gia đình, các bạn làm văn phòng hay thậm chí sinh viên cũng có thể kinh doanh được loại hình này. Còn resort thường được các “ông lớn” hoặc các chủ đầu tư có nguồn vốn lớn và linh hoạt lựa chọn.
2.3. Giá thuê phòng
Sau khi đi qua các nội dung so sánh homestay với resort với tiêu chí về quy mô và chi phí đầu tư, không khó để đoán biết được giá thuê của homestay cũng rẻ hơn rất nhiều so với resort.
Hiện nay để thuê homestay, khách du lịch chỉ cần cỏ ra từ vài trăm nghìn là đã có thể thuê được căn phòng tầm 15- 20m2 thoải mái cho 2 người ở. Trường hợp khách đi theo đoàn đông người muốn thuê nguyên căn thì chi phí trung bình cũng chỉ dao động trong khoảng từ 5- 10 triệu/ đêm. Mặc dù giá khá “mềm” nhưng phòng cũng được trang bị các tiện nghi như: wifi, điều hòa, tủ lạnh, tủ quần áo, két sắt, đồ vệ sinh cá nhân,... tùy theo quy mô homestay khách lựa chọn.
Đối với Resort thì giá thuê phòng 1 đêm tại Resort 3 sao tối thiểu cũng phải từ 1 đến vài triệu đồng. Thậm chí đối với những Resort 5 sao, mức giá có thể lên đến hơn 10tr/ đêm/phòng. Tuy nhiên, song song với mức giá đắt đỏ thì du khách sẽ được trải nghiệm không gian nghỉ ngơi đẳng cấp cùng với những dịch vụ chuyên nghiệp mà homestay có thể không có được như: bồn tắm sục, tắm bùn, spa, massage,...
2.4. Thiết kế nội thất trong không gian
Khi so sánh homestay với resort về thiết kế nội thất trong không gian, không khó để nhận thấy resort có sự đầu tư bài bản vào nội thất hơn hẳn. Nếu như homestay thiên về các nội thất cơ bản hoặc được làm thủ công để mang lại sự gần gũi, ấm cúng và tối ưu được chi phí đầu tư thì resort ưu tiên các nội thất cao cấp, đắt tiền, thể hiện đẳng cấp tương xứng với mức giá.
Tùy theo phong cách thiết kế của công trình mà nội thất tại resort vẫn có thể mang tính gần gũi hoặc sang trọng, cổ điển.
2.5. Các loại hình dịch vụ
Thường thì resort sẽ cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ hơn homestay. Tuy nhiên thực tế thì hiện nay, các homestay cũng đang đổi mới và tích hợp nhiều loại hình dịch vụ khá hấp dẫn tương đương 1 “resort mini” như: bể bơi, kinh doanh homestay kết hợp quán cafe, homestay kết hợp vườn rau, hoa quả sạch, homestay có sân vườn rộng tổ chức các hoạt động team building,...
Dự kiến trong những năm tới khi homestay được đầu tư quy mô, đồng bộ thì dần dần sẽ xóa bỏ ranh giới giữa homestay và resort.
2.6. Khách hàng mục tiêu
Xác định được đặc điểm của khách hàng mục tiêu là một điều rất quan trọng trong kinh doanh. Mỗi loại hình lưu trú lại hướng đến một tệp khách hàng có những đặc điểm, mong muốn khác nhau cần đáp ứng.
Đầu tiên là về nhóm khách hàng của homestay. Khách hàng mục tiêu của homestay thường là giới trẻ, có thể là các bạn sinh viên, nhân viên văn phòng, người làm tự do thích đi phượt,... Đặc trưng dễ thấy của nhóm người này quỹ thời gian rảnh khá nhiều, ưa mạo hiểm, thích khám phá và trải nghiệm. Chính vì vậy, thay vì lựa chọn những địa chỉ với mức giá đắt đỏ thì họ sẽ ưu tiên những điểm dừng chân như homestay. Không chỉ với ưu điểm giá rẻ mà hiện nay loại hình này còn đẹp- độc- lạ. Đồng thời tại đây, khách hàng còn được tự do trong các hoạt động về sinh hoạt, vui chơi và trải nghiệm những gì thực tế nhất trong đời sống người dân bản địa.
Khác với homestay, Resort lại là loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Khách du lịch đến với Resort thường là những người có mức thu nhập khá trở lên, thường là những người có công việc rất ổn định, là các gia đình lớn, các doanh nhân hoặc các chủ đầu tư. Họ đến với nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn và khám phá những gì tinh túy nhất được tích hợp tại Resort. Đồng thời sẵn sàng trả mức giá đắt đỏ để được sử dụng những dịch vụ cao cấp như: bể bơi vô cực, bãi biển riêng để đón bình minh và hoàng hôn, khám phá vườn nguyên sinh, spa, massage thư giãn,... Bên cạnh đó, các hoạt động ăn uống, dọn phòng đều được phục vụ tận tình và chuyên nghiệp bởi nhân viên của Resort.
3. Giải đáp câu chuyện về lựa chọn đầu tư Homestay hay Resort?
Từ 6 tiêu chí để so sánh homestay với resort mà chúng tôi đã chia sẻ bên trên, có lẽ các chủ đầu tư cũng đã có phần nào lời giải đáp riêng cho mình. Trên thực tế, mỗi loại hình sẽ có những ưu và nhược điểm đồng thời phù hợp với các chủ đầu tư khác nhau. Tuy nhiên nếu để đi theo “trend” hiện nay thì chắc chắn homestay là sự lựa chọn lý tưởng với lượng khách đổ về ngày càng đông, khả năng sinh lời tốt và số vốn đầu tư ban đầu linh hoạt. Không “kén chọn” chủ đầu tư, bất kể bạn là ai, từ sinh viên đến các nhà đầu tư bất động sản lớn đều có thể kinh doanh mô hình này. Còn để lựa chọn đầu tư Resort thì các chủ đầu tư cần đảm bảo có nguồn vốn vững mạnh và tiềm lực tài chính lớn.
Như vậy, Ken Kasa vừa chia sẻ với các chủ đầu tư các tiêu chí so sánh homestay với resort. Có thể thấy để lựa chọn 1 trong 2 loại hình này còn phụ thuộc vào yếu tố về tài chính và khả năng quản lý của chủ đầu tư. Hy vọng những nội dung trên cung cấp thông tin hữu ích cho các chủ đầu tư trong việc định hình việc kinh doanh sắp tới của mình. Để cập nhật nhiều kiến thức hơn hãy theo dõi chúng tôi trong các nội dung mới tiếp theo nhé!